Quy trình lập báo cáo tài chính theo quy định mới nhất
Báo cáo tài chính là một trong những tài liệu quan trọng nhất của doanh nghiệp, cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và dòng tiền trong một kỳ kế toán. Việc lập báo cáo tài chính không chỉ giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động mà còn đáp ứng các yêu cầu pháp lý và thuế quan. Để đảm bảo tính chính xác và tuân thủ quy định, quy trình lập báo cáo tài chính cần được thực hiện một cách khoa học và có hệ thống. Bài viết dưới đây, Thăng Long Bắc Giang sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình này.

1. Bộ báo cáo tài chính gồm những gì?
Bảng cân đối kế toán
Trong bảng cân đối sẽ thể hiện tổng tài sản, tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể (thường là cuối năm). Bảng cân đối thể hiện sự cân đối giữa tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp, cho biết nơi mà nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp đang được sử dụng.
Báo cáo kết quả kinh doanh
Thể hiện kết quả hoạt động tài chính của doanh nghiệp trong khoản thời gian xác định (khoảng 1 năm). Bao gồm: doanh thu, lợi nhuận gộp, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế, sau thuế cùng các chỉ số liên quan khác như lợi nhuận trên cổ phần, cổ tức…
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Thể hiện nguồn gốc của tiền và dòng tiền ra vào của doanh nghiệp, cách mà tiền được sử dụng trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính như thế nào. Giúp người đọc hiểu được cách doanh nghiệp quản lý tiền mặt, đánh giá khả năng thanh toán, sinh lời, sử dụng vốn và phát triển của doanh nghiệp.
Thuyết minh báo cáo tài chính

Đây là một phần quan trọng trong BCTC dùng để giải thích, bổ sung thông tin chi tiết và cung cấp thông tin thêm về các khoản thu chi khác. Báo cáo này nhằm giúp đảm bảo tính minh bạch và hiểu rõ hơn về các số liệu trong bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Bên cạnh những phần trên, báo cáo tài chính còn bao gồm các chú thích và giải thích về các khoản mục trong báo cáo, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Điều này giúp cho quá trình đánh giá và ra quyết định đúng đắn hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Xem thêm: Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính như thế nào?
2. Các quy định về quy trình lập báo cáo tài chính năm
Các quy định tổng quát về quy trình lập báo cáo tài chính năm là cốt lõi đối với mọi tổ chức và doanh nghiệp. Chúng định nghĩa các tiêu chuẩn và nguyên tắc cần tuân thủ để đảm bảo tính chính xác và minh bạch của thông tin tài chính.
2.1 Quy định cần tuân thủ trong quy trình lập báo cáo tài chính năm
Trong quá trình lập báo cáo tài chính năm, kế toán viên cần xác định rõ chế độ kế toán của doanh nghiệp để sử dụng đúng mẫu báo cáo tài chính năm theo quy định pháp luật, tránh các sai sót có thể xảy ra.
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, các doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 132/2018/TT-BTC hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC. Đối với các doanh nghiệp lớn, áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Do đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định sau khi khai và nộp báo cáo tài chính:
- Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể sử dụng mẫu Báo cáo tài chính năm theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
- Các doanh nghiệp lớn nộp Báo cáo tài chính năm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.
2.2 Quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính năm
Theo Khoản 3 Điều 29 của Luật kế toán 2015, các quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính năm được chỉ rõ như sau:
- Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước: Báo cáo tài chính năm phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
- Đối với các doanh nghiệp nhà nước: Thời hạn nộp báo cáo tài chính sẽ được quy định cụ thể theo từng quý và theo năm.
Xem thêm: Xác định chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
3. Quy trình làm báo cáo tài chính
Bước 1: Tập hợp, sắp xếp chứng từ kế toán

Chứng từ kế toán là các tài liệu phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính đó như: hóa đơn đầu ra, hóa đơn đầu vào, sổ phụ ngân hàng, sổ quỹ, bảng chấm công, bảng lương, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hồ sơ tài sản, … Các chứng từ kế toán phát sinh hàng ngày và liên tục.
Do đó việc đầu tiên cần làm là thu thập tất cả các loại chứng từ kế toán, sắp xếp lại một cách khoa học. Đồng thời sắp xếp chứng từ theo thứ tự thời gian trong năm tài chính.
Kế toán lưu ý kiểm tra đồng thời tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp của chứng từ trong quá trình sắp xếp và những chứng từ gốc như hóa đơn đầu ra, đầu vào gốc sẽ kẹp cùng chứng từ hạch toán hay sắp xếp theo Danh mục bảng kê thuế.
Bước 2: Hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
Dựa trên các chứng từ kế toán đã được sắp xếp một cách cẩn thận, kế toán viên cần thực hiện việc kiểm tra và hoàn thiện các chứng từ này nhằm đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật về công tác kế toán và thuế.
Các bạn có thể thấy, phần mềm kế toán có sự phân tách các phần hành kế toán riêng biệt nên việc hạch toán cũng rõ ràng, dễ dàng hơn. Các bạn có thể sử dụng chức năng sao chép phiếu hạch toán đối với các bút toán tương tự nhau, các bạn cũng có thể cập nhật bút toán lên bằng các mẫu excel của phần mềm, nhất là với các bút toán có tính chất hàng loạt.
Phần mềm kế toán có các chức năng tìm kiếm, sửa chữa, xóa bỏ rất nhanh chóng, tiện lợi, chính xác, thuận tiện hơn cho việc kiểm soát, hạn chế sai sót nhất có thể.
Bước 3: Phân bổ, khấu hao và chi phí trả trước

Đối với tài sản cố định và chi phí trả trước, phải hạch toán phân bổ chi phí hàng tháng với thời gian phân bổ hợp lý theo quy định.
Trên phần mềm kế toán, kế toán viên cập nhật thông tin chung như giá trị và thời gian phân bổ của tài sản cố định và chi phí trả trước. Có thể sử dụng Excel để theo dõi khấu hao và phân bổ chi phí một cách phù hợp.
Hàng tháng, kế toán viên có thể sử dụng tính năng phân bổ tự động trên phần mềm và so sánh kết quả với bảng Excel. Đối với các chi phí phát sinh vào giữa tháng, cần phân bổ chi tiết đến từng ngày.
Bước 4: Hạch toán các khoản ước tính, điều chỉnh
Vào cuối kỳ kế toán, nhà quản trị cần kiểm tra và điều chỉnh các khoản ước tính trên chứng từ kế toán. Điều này nhằm đảm bảo các con số trong báo cáo tài chính phản ánh đúng thực tế của doanh nghiệp và tuân thủ các quy định kế toán hiện hành. Một số nội dung cần hạch toán như:
- Bút toán đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ
- Các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh….
- Các khoản chi phí của năm cần trích trước, bao gồm lương tháng 13, thưởng tết âm lịch, chi phí kiểm toán, các chi phí mang tính chất thường xuyên,…
- Các bút toán phân loại lại khoản đầu tư, tiền gửi thấu chi, phân loại lại công nợ ngắn hạn dài hạn, các khoản vay ngắn hạn dài hạn, …
- Các bút toán điều chỉnh sai sót (nếu có)
Bước 5: Kiểm tra đối chiếu số liệu sổ sách

Trong các bước lên Báo cáo tài chính, khâu kiểm tra rất quan trọng. Nếu số liệu hạch toán sai, lên BCTC không chính xác, chúng ta sẽ phải rà soát lại, tìm nguyên nhân, điều chỉnh và làm lại Báo cáo tài chính. Điều đó sẽ làm mất nhiều thời gian và công sức hơn. Vì vậy cần lưu ý kiểm tra kỹ số liệu trước khi lên Báo cáo tài chính.
Thứ nhất, kiểm tra, đối chiếu số liệu kế toán từng Tài khoản, giữa các Tài khoản với nhau, giữa Tài khoản với chứng từ thực tế phát sinh…
- Kiểm tra việc chuyển số dư cuối kỳ trước sang đầu kỳ này của tất cả các tài khoản có số dư (Cả Sổ cái và Số chi tiết), đối với các phần hành Công nợ, Kho hàng hóa, các bạn cần kiểm tra lại số dư của từng đối tượng Khách hàng, Nhà cung cấp; kiểm tra số lượng và giá trị từng loại hàng hóa.
- Kiểm tra sự phù hợp của chứng từ kế toán và hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
- Kiểm tra đối chiếu giữa sổ chi tiết với sổ tổng hợp tài khoản (Sổ cái)
Thứ hai, các bạn cần nắm chắc những lưu ý trong quá trình kiểm tra soát xét các Tài khoản để lên Báo cáo tài chính.
Xem thêm: Tại sao nên sử dụng dịch vụ kiểm toán doanh nghiệp?
Bước 6: Thực hiện các bút toán kết chuyển
Sau khi đã hoàn tất việc kiểm tra và rà soát các số liệu, kế toán viên cần thực hiện các bút toán kết chuyển lãi/lỗ trong năm. Quá trình này bao gồm hạch toán các khoản doanh thu, chi phí, lỗ, lãi và đảm bảo các tài khoản từ đầu 5 đến đầu 9 không còn số dư cuối kỳ.
Đối với những doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập, nhà quản trị cần kết chuyển lần thứ nhất để xác định lãi và tính ra số thuế cần phải nộp. Tiếp đó là hạch toán bổ sung bút toán ghi nhận thuế và chi phí thuế phát sinh rồi mới tiến hành thực hiện kết chuyển lại để ra con số lợi nhuận cuối cùng.
Bước 7: Lên Báo cáo tài chính
Công việc cuối cùng trong các bước lên Báo cáo tài chính, khi mọi nghiệp vụ kinh tế đều đã được phản ánh đầy đủ, chính xác, các bạn có thể lên Báo cáo tài chính theo hướng dẫn quy định cụ thể tại Thông tư 133/2016/TT-BTC hoặc Thông tư 200/2014/TT-BTC:
- Thông tư 133/2016/TT-BTC áp dụng cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ
- Thông tư 200/2014/TT-BTC: áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, loại hình, mọi thành phần kinh tế không xét đến quy mô doanh nghiệp.
Đối với các bạn hạch toán trên excel, lập BCTC, các bạn cần nhặt từng chỉ tiêu trên mỗi báo cáo từ Bảng cân đối số phát sinh các tài khoản.
Sử dụng phần mềm kế toán, việc lên BCTC trở lên dễ dàng hơn, thay vì phải thủ công lên từng chỉ tiêu của BCTC, chỉ cần thực hiện xong bước kết chuyển lãi/lỗ cuối cùng, chúng ta có thể có xem ngay bộ BCTC trên phần mềm.
4. Một số lưu ý khi lập báo cáo tài chính
Trong quá trình lập báo cáo tài chính, có một số lưu ý quan trọng cần được nhắc đến. Việc đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của thông tin, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán và sự thường xuyên cập nhật số liệu là những yếu tố quyết định đến tính tin cậy và giá trị của báo cáo tài chính của một doanh nghiệp.
Lưu ý khi nộp báo cáo tài chính

- Đảm bảo rằng trước khi nộp, định dạng của báo cáo tài chính và thuyết minh đã được kiểm tra kỹ để chắc chắn rằng chúng đáp ứng đúng định dạng mà cơ quan hoặc tổ chức yêu cầu
- Đảm bảo rằng tài liệu báo cáo tài chính và thuyết minh được bảo mật thông tin một cách an toàn. Có thể sử dụng các biện pháp như mã hóa hoặc đặt mật khẩu để chỉ cho những người được ủy quyền truy cập.
- Kiểm tra lại thông tin: Trước khi gửi, hãy kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo rằng tất cả các thông tin trong báo cáo tài chính và thuyết minh đều chính xác và không có lỗi sai sót.
- Sắp xếp hồ sơ đi kèm: Ngoài việc lập báo cáo tài chính và thuyết minh, có thể cần phải đính kèm một số tài liệu bổ sung như bản sao công chứng, biên bản họp, quyết định của hội đồng quản trị,…
- Theo dõi hạn chót nộp: Luôn tuân thủ hạn chót nộp báo cáo tài chính và thuyết minh. Nếu nộp trước thời hạn để tránh các sự cố ngoài ý muốn.
- Lưu giữ bản sao: Trước khi nộp, hãy sao lưu bản chính của tài liệu để đảm bảo rằng bạn có thể tái sử dụng và chứng minh sự nộp như thế nào.
- Yêu cầu xác nhận nộp thành công: Sau khi hoàn tất việc nộp, đề nghị xác nhận rằng tài liệu đã được nhận và ghi nhận đúng hạn để tránh tình trạng tài liệu bị mất hoặc không ghi nhận nếu xảy ra lỗi từ phía hệ thống nhận.
- Giữ bản gốc: Sau khi nộp qua mạng, hãy giữ bản gốc của báo cáo tài chính và thuyết minh trong tệp an toàn để tham khảo và lưu trữ dài hạn.
- Theo dõi tiến trình nộp: Kiểm tra trạng thái của việc nộp báo cáo tài chính để đảm bảo rằng nó đã được xử lý và chấp nhận. Trong trường hợp xuất hiện vấn đề, vui lòng liên hệ với cơ quan hoặc tổ chức tài chính để giải quyết.
Kết luận
Quy trình lập báo cáo tài chính đòi hỏi sự cẩn trọng, chính xác và tuân thủ các quy định hiện hành. Một báo cáo tài chính đầy đủ và minh bạch không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả mà còn tạo dựng niềm tin với các cơ quan quản lý, đối tác và nhà đầu tư. Do đó, việc nắm vững và thực hiện đúng quy trình lập báo cáo tài chính là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nếu bạn cần chúng tôi hỗ trợ tư vấn lập báo cáo tài chính vui lòng liên hệ với Thăng Long Bắc Giang! Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn thuế cho doanh nghiệp.
Liên hệ với chúng tôi
- Giám Đốc Chi Nhánh: Ms Nguyễn Thị Nga
- Địa chỉ: Tầng 4, Số nhà 8, LK24, Phố đi bộ khu dân cư phía Nam, Phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang
- Hotline: 0886.768.666
- Email: thanglongbg24@gmail.com
- Website: ketoanthanglongbg.com
- Facebook: Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn đầu tư Thăng Long
- Youtube: Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn đầu tư Thăng Long . CN Bắc Giang
- Tiktok: Kế toán . Kiểm toán Thăng Long
Xem thêm: Hành vi lấy tên người khác thành lập công ty để mua bán hóa đơn trái phép và hậu quả pháp lý