Thủ tục bù trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nộp thừa
Trong quá trình hoạt động, việc doanh nghiệp nộp thừa thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như tính toán sai số, thay đổi chính sách thuế, hoặc sai sót khi thực hiện nghĩa vụ kê khai. Để tối ưu hóa nguồn vốn và đảm bảo quyền lợi hợp pháp, việc thực hiện thủ tục bù trừ thuế TNDN nộp thừa là cần thiết. Bài viết dưới đây Thăng Long Bắc Giang sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết về quy trình, hồ sơ, và các lưu ý quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục này một cách nhanh chóng và hiệu quả.

1. Trường hợp được bù trừ tiền thuế TNDN
Trường hợp được bù trừ tiền thuế TNDN nộp thừa và các khoản tiền chậm nộp, nộp thừa, tiền phạt nộp thừa căn cứ theo Khoản 1, Điều 25, Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021. Theo đó các trường hợp được xử lý bù trừ thuế TNDN gồm:
- Người nộp thuế có số tiền thuế TNDN nộp thừa với số tiền thuế TNDN phải nộp.
- Người nộp thuế có tiền thuế TNDN chậm nộp, nộp thừa, tiền phạt thuế TNDN nộp thừa.
Các trường hợp nộp thừa thuế TNDN theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế thì được xử lý bù trừ hoặc hoàn trả.
Số tiền thuế TNDN nộp thừa được bù trừ với số tiền thuế TNDN phát sinh phải nộp cùng tiểu mục của kỳ tiếp theo phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Số tiền thuế TNDN nộp thừa phải có cùng tiểu mục với số tiền thuế TNDN phát sinh phải nộp.
- Số tiền thuế TNDN nộp thừa phải còn thời hạn nộp.
- Số tiền thuế TNDN nộp thừa phải còn trong thời gian hiệu lực của giấy nộp tiền.
Xem thêm: Xác định chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
2. Xử lý bù trừ thuế TNDN nộp thừa
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 25, Thông tư 80/2021/TT-BTC, khoản thuế TNDN nộp thừa được xử lý bù trừ như sau:
Bù trừ khoản nộp thừa với số tiền thuế còn nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ nộp thừa được trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phát sinh của lần tiếp theo trong các trường hợp.

- Bù trừ với khoản nợ của người nộp thuế có cùng tiểu mục và cùng địa bàn thu ngân sách với khoản nộp thừa. (1)
- Bù trừ với khoản thu phát sinh của người nộp thuế có cùng tiểu mục và cùng địa bàn thu ngân sách với khoản nộp thừa. (2)
- Người nộp thuế có số tiền thuế TNDN nộp thừa bằng ngoại tệ khi thực hiện bù trừ phải quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá bán ra đầu ngày của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam tại thời điểm xác định số thuế phải nộp. (3)
Xem thêm: Quy trình lập báo cáo tài chính theo quy định mới nhất
3. Thẩm quyền giải quyết bù trừ thuế nộp thừa
Tại Khoản 3 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định thẩm quyền xử lý bù trừ khoản nộp thừa của cơ quan thuế như sau:
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp
- Thực hiện bù trừ trên hệ thống quản lý thuế khoản nộp thừa với khoản nợ, khoản thu phát sinh đối với những trường hợp được quy định tại Điểm a.1 và a.2 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Tiếp nhận, giải quyết văn bản đề nghị đối với những trường hợp được quy định tại Điểm a.4 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách Nhà nước
- Thực hiện bù trừ trên hệ thống quản lý thuế khoản nộp thừa của người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý thu thuộc trường hợp quy định tại Điểm a.1 và a.2 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Tiếp nhận, giải quyết văn bản đề nghị đối với những trường hợp được quy định tại Điểm a.4 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ

- Bù trừ trên hệ thống đối với những trường hợp được quy định tại Điểm a.1 và a.2 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC do cơ quan thuế quản lý đối với khoản thu được phân bổ.
- Phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp xử lý bù trừ khoản nộp thừa với khoản nợ, khoản thu phát sinh do nơi được hưởng khoản thu được phân bổ quản lý thu theo hướng dẫn tại Điểm a.4 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Xem thêm: Thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT đối với hoạt động dạy thêm
4. Thủ tục bù trừ thuế TNDN nộp thừa
Khi doanh nghiệp nộp thừa thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), việc thực hiện thủ tục bù trừ thuế giúp giảm số thuế phải nộp trong kỳ tiếp theo hoặc hoàn thuế nếu có đủ điều kiện. Để đảm bảo quyền lợi và tuân thủ đúng quy định pháp luật, doanh nghiệp cần nắm rõ các bước thực hiện bù trừ thuế TNDN nộp thừa theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Dưới đây là quy trình cụ thể giúp doanh nghiệp xử lý nhanh chóng và chính xác.
Trình tự, thủ tục bù trừ thuế TNDN nộp thừa
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 25, Thông tư 80/2021/TT-BTC về thủ tục bù trừ số tiền thuế TNDN nộp thừa, tiền chậm nộp, tiền nộp thừa như sau:
Bước 1: Xét từng trường hợp bù trừ
Người nộp thuế có khoản thuế TNDN nộp thừa theo quy định tại (1) và (2) thì không phải gửi hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa đến cơ quan thuế
Trong trường hợp này, cơ quan thuế thực hiện tự động bù trừ trên hệ thống quản lý thuế theo quy định về kế toán nghiệp vụ thuế và cung cấp thông tin cho người nộp thuế.
Bước 2: Thủ tục bù trừ
Người nộp thuế có khoản nộp thuế TNDN nộp thừa bù trừ với khoản nợ, khoản thu phát sinh theo quy định tại (3) gửi hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa. Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế nộp thừa, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu số 01/DNXLNT
- Các tài liệu khác liên quan (nếu có).

Bước 3: Cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Cơ quan Thuế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa của người nộp thuế.
Trong vòng 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ đủ yêu cầu thì cơ quan thuế sẽ đối chiếu khoản nộp thừa tại văn bản đề nghị của người nộp thuế với dữ liệu trên hệ thống.
- Nếu khoản nộp thừa thuế TNDN phát sinh khớp đúng với dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế thì cơ quan Thuế thực hiện bù trừ khoản nộp thừa với khoản nợ, khoản thu phát sinh theo đề nghị của người nộp thuế. Sau đó thông báo lại cho người nộp thuế
- Nếu khoản nộp thừa thuế TNDN tại văn bản đề nghị của người nộp thuế không khớp thì cơ quan thuế ban hành thông báo theo mẫu số 01/TB-XLBT, nêu rõ lý do và gửi cho người nộp thuế.
Bước 4: Giải quyết khi đề nghị bù trừ không khớp đúng với dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế
Khi nhận được thông báo không khớp với dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế thì người nộp thuế sẽ thực hiện theo các bước sau đây:
- Giải trình, bổ sung thêm thông tin, tài liệu theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT rồi nộp lại cho cơ quan Thuế.
- Thời gian bổ sung thông tin của người nộp thuế không tính vào thời gian giải quyết hồ sơ của cơ quan thuế.
Sau đó, cơ quan thuế kiểm tra, đối chiếu lại và thực hiện bù trừ khoản nộp thừa theo đề nghị của người nộp thuế.
Hoàn trả, bù trừ thu ngân sách đối với khoản thuế TNDN nộp thừa
Căn cứ theo quy định tại Tiết b Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC, người nộp thuế TNDN được gửi hồ sơ đề nghị hoàn trả hoặc hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước khi:
- Người nộp thuế TNDN có khoản nộp thừa sau khi thực hiện bù trừ mà vẫn còn khoản nộp thừa
- Người nộp thuế TNDN không có khoản nợ
Hồ sơ đề nghị hoàn trả tiền nộp thừa bao gồm:
- Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu số 01/DNXLNT
- Văn bản ủy quyền nếu người nộp thuế không trực tiếp thực hiện thủ tục hoàn thuế
- Các tài liệu kèm theo (nếu có)
5. Thời điểm xác định thuế TNDN nộp thừa để xử lý bù trừ hoặc hoàn nộp thừa
Căn cứ theo quy định tại Tiết c Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC, thời điểm xác định thuế TNDN nộp thừa để xử lý bù trừ hoặc hoàn nộp thừa.
Thời điểm xác định thuế TNDN nộp thừa
- Là ngày người nộp thuế đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước: Áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế tự tính, tự khai và tự nộp thuế theo số thuế đã kê khai.
- Là ngày người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế: Áp dụng với trường hợp người nộp thuế nộp tiền trước khi nộp hồ sơ khai thuế.
- Là ngày người nộp thuế nộp hồ sơ khai bổ sung: Áp dụng với trường hợp người nộp thuế nộp tiền trước khi nộp hồ sơ khai thuế và có hồ sơ khai bổ sung thì thời điểm xác định khoản nộp thừa.
- Là ngày người nộp thuế đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước: Áp dụng với trường hợp người nộp thuế nộp tiền theo Quyết định của cơ quan thuế, Quyết định hoặc Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Nếu người nộp thuế nộp tiền trước ngày thông báo thì thời điểm xác định khoản nộp thừa là ngày ban hành thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Trường hợp người nộp thuế đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước nhưng sau đó thực hiện theo Bản án, Quyết định của Toà án thì thời điểm xác định khoản nộp thừa là ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực.
Kết bài
Việc thực hiện thủ tục bù trừ thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn tài chính mà còn đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thuế. Quá trình này đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, chính xác và thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan thuế để tránh sai sót hoặc kéo dài thời gian xử lý. Nếu cần hỗ trợ hoặc tư vấn chi tiết hơn, doanh nghiệp có thể liên hệ với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Đầu tư Thăng Long – CN Bắc Giang để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả.
Liên hệ với chúng tôi
- Giám Đốc Chi Nhánh: Ms Nguyễn Thị Nga
- Địa chỉ: Tầng 4, Số nhà 8, LK24, Phố đi bộ khu dân cư phía Nam, Phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang
- Hotline: 0936.968.083
- Email: thanglongbg24@gmail.com
- Website: ketoanthanglongbg.com
- Facebook: Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn đầu tư Thăng Long
- Youtube: Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn đầu tư Thăng Long . CN Bắc Giang
- Tiktok: Kế toán . Kiểm toán Thăng Long